(Mình viết một chương trong cuốn sách Mong gì từ Đại học, do Times Book xuất bản năm 2024. Mời bạn đón đọc sách. Còn dưới đây là bản Writer’s Cut.)
Bão hòa ngữ nghĩa
… hay Semantic satiation là hiện tượng một từ hoặc cụm từ mất đi ý nghĩa khi ta lặp đi lặp lại nó nhiều lần. Những gì còn lại chỉ là những âm thanh vô nghĩa.
Tôi thường có cảm giác ấy từ khi còn bé cơ nhưng chưa bao giờ gọi tên, cũng chả khoe được với ai. Kìm nén mãi, đến gần đây xem series phim hài bóng đá Ted Lasso, nhân vật cùng tên nhắc đến hiện tượng này khiến tôi “đã” vô cùng. “Đã” vì một thứ vô hình với mình hàng năm trời qua, chỉ có thể cảm nhận, bỗng dưng hiện hình nhờ một tên gọi.
Có lẽ vì vậy mà tôi rất thích từ điển và bách khoa toàn thư. Khi mới bước chân vào nghề nghiên cứu, cô giáo sư đưa cho tôi cho cuốn Bách khoa toàn thư về Giáo dục khoa học, ngành tôi theo đuổi, để một nhà nghiên cứu mới toe biết trong thế giới đó đã có gì. Quả thật, đó là nơi tôi tìm thấy những điều mình không biết là mình không biết. Xin giới thiệu với bạn đọc vài từ vựng tôi học được trong nhiều năm làm giáo dục và nghiên cứu, biết đâu lại làm bạn “đã” như tôi.
Gỡ học - Unlearn
Hồi còn là sinh viên sư phạm thực tập, tôi rất quan trọng vai trò của việc giảng dạy. Tôi nghĩ trách nhiệm của giáo viên là phải giảng sao cho học sinh hiểu thì thôi. Nếu học sinh không hiểu thì chỉ vì hai khả năng: hoặc là lỗi tại tôi không có khiếu sư phạm; hoặc là lỗi tại học sinh: không thông minh, không phù hợp để học môn này. Nói thẳng ra là học sinh “dốt”. Dừng ở đây để thử tạo ra semantic satiation nào: dốt dốt dốt dốt dốt dốt dốt. Rồi đó, chắc từ này đã mất đi ý nghĩa trong đầu bạn!
Tôi cứ đổ lỗi qua lại như thế suốt một hai năm trời. Sau đó, trong một khoá đào tạo giáo viên, tôi biết về Thuyết Đa trí tuệ của Howard Gardner. Thuyết này cho rằng có tới 9 loại trí thông minh, bên cạnh sự thông minh bình thường ta hay hiểu. Nào là thông minh không gian, thông minh logic, thông minh ngôn ngữ, thông minh liên cá nhân,…
Nhờ vào trường từ vựng mở rộng, tôi đã có thể gọi tên điểm mạnh cùng xu hướng học tập của học sinh. Tất nhiên, tôi không nói thuyết này tuyệt đối đúng, nhưng ít ra nó cung cấp một góc nhìn mới nhân văn hơn nhiều so với những gì tôi từng nghe ra rả. Từ đó, tôi gỡ “dốt” ra khỏi từ điển nghề và quyết không dùng lại.
Để học sinh “LÀ” - Being
Rồi tôi trở thành một giáo viên tiểu học dù không được đào tạo chuyên biệt. Đám học sinh của tôi … ngộ lắm, không đứa nào chịu ngồi yên! Tôi tìm mọi cách để giữ các em trật tự: giơ tay ra hiệu, đứng nhìn chằm chằm, sử dụng chuông, gõ bảng, thậm chí là nổi cáu và to tiếng trong kiểm soát với mục đích gây chú ý. Những cách đó đều không ổn hoặc không bền. Bối rối, bất lực, tôi nghĩ nhiệm vụ của mình là dạy, thì học sinh, bất kể lứa tuổi, có nhiệm vụ học cái mình dạy chứ!
Trong lần ghé thăm một trung tâm dạy mỹ thuật-sáng tạo, tôi nghe người sáng lập kể về triết lý LÀ – BEING. Rằng thử để cho trẻ con LÀ trẻ con đi. Thử đừng ép, mà đứng lùi lại quan sát xem sao. Cùng thời gian đó, khi đọc nhiều sách của Ken Robinson, Krishnamurti, Montessori, về giáo dục mới (progressive education), tôi dần thả lỏng hơn. Tôi không còn nhất nhất yêu cầu mấy đứa nhóc phải ngồi trên ghế. Học sinh có thể ngồi lên bàn, đứng lên bàn, quỳ dưới sàn, làm bài 3 thay vì bài 1, thực hiện thí nghiệm đo đạc những gì chúng muốn đo. Thậm chí, nếu không muốn đo, các em vẫn có thể ngồi giúp bạn ghi số đo. Tất nhiên, cũng có nhiều trường hợp rất khó để phối hợp cùng, tôi chỉ còn cách quan sát để hiểu và học từ mỗi bạn. Nhờ điều chỉnh kỳ vọng của chính mình, các lớp tôi dạy bắt đầu vui nhộn hơn chứ không còn căng thẳng nữa. “Đời thay đổi khi ta thay đổi” là đây.
Cùng xây dựng kiến thức – Knowledge Building
Trước đây, tôi từng đóng khung trách nhiệm của giáo viên là phải “dạy” cho học sinh hiểu. Nhưng cuốn bách khoa toàn thư kia giới thiệu một quan điểm khác hẳn: Knowledge Building (Kiến tạo kiến thức). Theo quan điểm này, mỗi học sinh sẽ tham gia đóng góp ý tưởng vào một không gian chung để đồng kiến tạo kiến thức (co-construct), giải quyết vấn đề (problem solving) với bạn học dựa trên tranh luận (argumentation). Ngoài kỹ năng giải quyết vấn đề có vẻ đã phổ biến ở Việt Nam ra, khi học khoa học, học sinh cũng cần có cơ hội tranh biện dựa trên bằng chứng nữa.
Trong một số nghiên cứu so sánh cách dạy của giáo viên châu Á và giáo viên châu Âu/Úc, tôi nhìn thấy một khác biệt. Giáo viên châu Á hỏi nhiều với những câu hỏi nhỏ và ngắn. Họ đặt nhiều câu hỏi dẫn dắt với tần suất dày, còn học sinh, hoặc là trả lời “Yes/No”, hoặc là trả lời đồng thanh bằng một từ khoá. (Bạn nhớ chứ? “I’m fine thank you and you?”)
Ngoài ra, để dạy một đơn vị kiến thức, giáo viên châu Á thường dùng nhiều cách khác nhau để tạo thành mô hình, bằng vật lý lẫn trong tâm trí, để mô tả cho học sinh hiểu. Ngược lại, giáo viên châu Âu/Úc đặt những câu hỏi mở, dài, chừa chỗ cho học sinh nói nhiều hơn. Thậm chí một nét đặc trưng ở lớp học khoa học ở Úc là thời gian trên thảm sàn (carpet time). Đây là khoảng thời gian cả lớp quây quần trên thảm sàn bên giáo viên để thảo luận và trao đổi về một chủ đề khoa học nhất định. Trách nhiệm xây dựng kiến thức đã được trao cho cả học sinh nữa.
Tất nhiên là không có cách nào đúng hoặc sai, nhưng các khái niệm mới này cho tôi thấy mình có nhiều lựa chọn hơn. Trách nhiệm của giáo viên không hẳn là cố gắng xoay sở để đặt kiến thức vào đầu người học. Người học cũng cần có cơ hội và trách nhiệm để xây dựng kiến thức.
Một quan điểm dạy học khác mà tôi rất thích là Knowledge Integration (Tích hợp kiến thức). Kiến thức ở đây không phải là kiến thức các môn Toán-Lý-Hoá cộng lại với nhau mà là kiến thức sẵn có của học sinh. Hồi trước, tôi hay dạy theo kiểu “bài đây học đi”: những ví dụ, tình huống đều do giáo viên đưa ra. Nhưng các nhà nghiên cứu về Knowledge Integration quan niệm khác.
Bạn có để ý không? Thời lượng học khoa học trên lớp chỉ chiếm một phần nhỏ trong quãng đời đi học, và thậm chí còn ít hơn nếu so sánh với cuộc sống ngoài cổng trường. Trước khi vào lớp, học sinh đã mang “balo” chất một đống kiến thức khoa học “hỗn độn” từ những nguồn bên ngoài (gia đình, hàng xóm, xã hội, TV, YouTube, Facebook, …) và cả bên trong học sinh. Quan điểm Tích hợp kiến thức coi trọng kiến thức sẵn có của học sinh về một vấn đề, động viên các em nêu ra ý kiến. Rồi khi giáo viên đưa ra kiến thức mới, học sinh sẽ phân biệt trước khi chọn ra điều mới mẻ với em. Tóm lại, phương pháp này giành nhiều không gian, thời gian cho học sinh thử-sai, nếu có thể thì phản tư.
Chăm sóc giáo viên – Teacher service
Sau này, khi trở thành quản lý, hỗ trợ giáo viên mới phát triển chuyên môn, tôi nhìn thấy nhiều bạn giống như mình trước đó vài năm: nhiều bất lực và bối rối tương tự. Khi tôi tạm ngừng làm giáo viên vài năm để đi học, nhiều bạn giáo viên mới ngày nào của tôi giờ vẫn đi dạy, nhưng cũng nhiều bạn đã không còn là giáo viên nữa. Thấy các bạn đi làm nghề khác, còn chia sẻ nhiệt tình về nghề đó hơn xưa (a.k.a chụp hình phong bì mới bán xong căn nhà), tôi vừa vui vừa buồn.
Tôi cổ vũ cho tư duy cầu tiến (growth mindset) hay chuyện định đoạt số mệnh của mình là do mình. Nhưng để bám trụ với nghề, tôi không nghĩ tất cả đều phụ thuộc vào chính bản thân người giáo viên. Chuyện yêu nghề, yêu học sinh, hay bản lĩnh tự thân rất quan trọng nhưng không đủ.
Ở Đài Loan, nơi tôi học và nghiên cứu, trong một chương trình trao đổi về giáo dục cho phát triển bền vững, Ban Tổ chức giới thiệu một mô hình trường thực nghiệm dựa trên cộng đồng (community-based schools), xây dựng quanh một trường học cá biệt từng có nhiều tệ nạn. Phụ huynh và người dân gần đó được khuyến khích cùng học sinh tham gia những hoạt động đóng góp cho chính cộng đồng địa phương. Sau một thời gian thì chương trình đã đạt kết quả thật sự lạc quan cho tất cả các bên. Đây là minh chứng cho thấy “cần cả một ngôi làng để nuôi dạy những đứa trẻ”, chứ mỗi giáo viên không kham nổi.
Trong cuốn sách Creative Schools, Ngài Ken Robinson cho rằng ngoài lỗi cá nhân, chúng ta hay quên đi sự tồn tại của lỗi hệ thống (systematic errors) - một từ vựng mới nữa. Nếu đi giày bị đau chân, chúng ta không thể đổ lỗi cho chân mình, mà điều cần làm là thay giày. Nếu một hệ thống không hoạt động tốt, ta không thể chỉ đổ lỗi cho người bên trong. Ta cần làm việc với họ để thay đổi hệ thống. Giáo viên rất cần được lắng nghe. hỗ trợ phát triển bởi những hệ thống xung quanh.
Ngoài chuyện cựa quậy bên trong thực tế đang có, ta phải tạo áp lực để thay đổi luật lệ, nội quy, và chính sách nữa. Ngoài tiền lương ra, những phương án khả dĩ mà một hệ thống có thể làm như giảm các tác vụ hành chính, giảm sĩ số lớp học, tăng cường tập huấn, tạo không khí học tập, yêu cầu gia đình hợp tác, … cần được nhìn nhận, nghiên cứu thực hiện sớm. Chúng ta có thừa các nghiên cứu cho thấy một trong những yếu tố quan trọng nhất để giáo dục thành công là mối quan hệ chất lượng giữa giáo viên và học sinh. Đấy là công nghệ giáo dục tốt nhất rồi. Những công nghệ hiện đại đang quảng cáo om sòm mỗi ngày (AI cùng các thứ EdTech tiền tấn khác), tôi e chúng đang giải quyết sai vấn đề.
Điều căn bản của giáo dục là hỗ trợ việc học của học sinh. Giáo viên là người gần nhất có thể làm tốt nhất chuyện đó, nên họ cần được chăm sóc – teacher service.
Điều ta cần nói
Trong cuốn sách Why Learn History, Giáo sư Sam Wineburg mô tả về sự nghèo nàn ý tưởng trong một lớp học lịch sử truyền thống: chỉ toàn đọc, viết về các sự kiện. Ông viết: “When we say “kids can’t,” what we’re really saying is “we can’t.””
Khi chúng ta nói “trẻ không thể”, cái chúng ta đang thật sự nói là “chúng ta không thể”.
Tôi kết thúc bài viết dài bằng một lời chúc: Chúc bạn có dồi dào từ vựng để nói về đúng điều chúng ta cần nói.
Lời cám ơn
Cám ơn TS. Giáp Văn Dương đã góp ý để hoàn thiện bài viết.
Cám ơn Times Book đã xuất bản cuốn sách Mong gì từ đại học.
Mỗi ng đều có ngôn ngữ riêng của họ, nếu mình biết diễn tả theo ngôn ngữ của họ, mọi điều đều có thể dễ hiễu nên nếu ko phải TH quá đặc biệt thì đứa trẻ nào cũng có năng khiếu. Mình tin vậy.
Một bài viết rất hay ạ
Một bài viết rất đáng đọc cho bất cứ ai làm giáo dục, cảm ơn tác giả