Xin chào bạn đọc của The Too Blue Scientist,
Tháng Tư sắp hết rồi và mình không phát hành một bản tin khoa học như thường lệ. Đây là lần ngắt quãng đầu tiên sau 3 tháng đầu năm liên tục có tin. Lý do sẽ được tiết lộ ở bên dưới. Mình hơi lo khi ra quyết định này, dù chuyện chả có gì to tát khi mình vẫn viết đều đặn.
Cái mình lo là The Too Blue Scientist sẽ mất bạn đọc. Ở thời đại thông tin chồng chất thông tin, nội dung mới sinh ra mỗi khắc. Giống đống giấy tờ xếp thành chồng, cái ở trên cùng và mới nhất thì thu hút ta, xem xong đọc xong rồi cuộn xuống thì nó biến mất. Sự im ắng của blog này trong một tháng có thể khiến nó “lạ” đi với bạn rất nhanh. Có khi bạn còn chẳng nhớ vì sao lại subscribe nó nữa. Nên là nếu bạn còn ở đây và nhận ra blog này, thì highfive ✋.
Do gần như hoàn toàn nằm ngoài cuộc chơi thuật toán “chồng chất” kiểu Facebook, TikTok hay YouTube, trang blog này sẽ chỉ hiện ra nếu bạn chủ đích tìm kiếm hoặc được ai đó chia sẻ cho. Số lượng bạn đọc và lượt views của blog này luôn thấp một cách bền vững. Con số sẽ chỉ tăng khi mình chịu khó viết status kèm link ở trên Facebook hoặc khi bạn đọc cũ giới thiệu cho bạn đọc mới. Còn nếu không, như tháng này, lượt khách ghé vào blogs giảm hẳn.
Ngay từ đầu, mình đã muốn làm một blog độc lập và không phụ thuộc vào mạng xã hội nào. Mình nghĩ Internet là một cái lưới, mỗi website - mỗi tên miền là một điểm trong mạng lưới đó. Chẳng hạn, Facebook là một điểm tròn to khủng bố trên lưới, tập hợp ti tỉ các điểm nhỏ hơn. Điểm tròn to này có quy định và luật chơi riêng của một ông lớn nhằm hốt quảng cáo. Nhưng theo mình, Internet mở rộng và hay ho được như này là nhờ vào những “điểm nhỏ” đứng độc lập. Những Wait But Why, LessWrong, Daring Fireball, Stratechery, Austin Kleon, hay The Present Writer chẳng hạn. Dần dần, có sự chuyển dịch khi tinh thần độc lập này được khích lệ bởi những nền tảng mới, như Substack. Đây cũng là lý do khi mình chuyển nơi gửi thư cho bạn đọc sang đây.
(Bên dưới, mình sẽ giới thiệu danh mục ... hơn 1700 blogs để bạn khám phá cái lưới Internet này.)
Quay trở lại, lý do chính đáng của việc tháng Tư không có bản tin là đây: Bao nhiêu thời gian Hải có thể sắp xếp để viết thì đều đang dành cho một bài “long form” (bài viết dài), hứa hẹn sẽ ra mắt vào tháng tới. (Cố lên nha!) Viết những chủ đề lạ lẫm đòi hỏi mò mẫm nghiên cứu sâu để chính người viết hiểu và sắp xếp tới lui nhiều lần để bạn đọc cùng hiểu.
Thống kê nhanh thì mình đã dành khoảng 24 tiếng đồng hồ, qua 3 tháng để đầu tư cho nó. Đôi khi mình tự hỏi, trong thời đại AI khắp nơi, như thế có chậm không?
Chắc là có.
Mình đăng hai bài mới để trả lời cho băn khoăn trên. Một bài về công việc viết-khoa-học mình đang làm. Một bài dịch về vai trò của người viết trong thời đại AI.
Cả hai bài này đều khiến mình trân trọng chuyện viết khi nó được nhắc tới như một nghề thủ công. Y như cái trân trọng dành cho chiếc xe đạp Brompton hay ổ bánh mì sourdough thơm phức vậy.
Dù gì đi nữa, khi mình còn viết, một đầu của cây cầu kết nối giữa người viết và người đọc vẫn còn đây. Nếu bạn muốn qua cầu, mời bạn click vào blog, đọc bài, và subscribe hoặc chia sẻ. Để tăng views cho blog là chuyện nhỏ, để ca ngợi đồ thủ công là chuyện to.
Lễ lộc vui tươi. Hẹn gặp bạn đọc ở bài viết long form tháng tới.
Ngồi vùng vịnh nghĩ về việc viết
Bài dịch Sẽ sớm thôi, bạn chẳng cần phải viết nữa
Danh mục 1700 blog
Dự án ooh.directory của Phil Gyford.