Metaphors cho nghiên cứu
Vài lời khuyên mình nhận được hồi còn học Thạc sỹ và vẫn dùng tới năm sau.
“Không phải dân chuyên”
Làm nghiên cứu là liên tục và luôn luôn thấy mình không đủ. Đọc không đủ nhiều, hiểu không đủ sâu. Gặp khó khăn thì dừng lại – đọc thêm – viết ra, cuối cùng cũng thấy mình đủ hiểu, đủ tự tin làm tiếp. Tinh thần phấn chấn hẳn lên.
Thấy rằng mọi vấn đề đều sẽ được giải quyết.
Rằng mình kiên gan bền chí, quyết tâm tìm đường thì kiểu gì cũng thấy lối ra.
Và tinh thần này kéo dài được mười lăm phút thì cảm giác ban đầu lại xuất hiện.
Một lần, 11 giờ đêm trên phòng lab, mình than phiền thành tiếng: tại sao tụi mình phải làm việc vất vả như này? Kiểu mình rời công việc dạy học từ 8 giờ sáng đến 5 giờ chiều để làm công việc nghiên cứu 24 giờ trên 7 ngày. Marison, đứa bạn người Indonesia vẫn chơi cầu lông với mình mỗi chiều, không dừng lại giây nào nghĩ ngợi mà trả lời tức thì: vì chúng ta có phải dân chuyên nghiệp đâu! (Ý nó nhắc tới những tay vợt chuyên nghiệp (professionals) tụi mình hay trông thấy trên sân cầu của trường.) Ừ ha, mình đồng ý. Thậm chí mình đã phải google để biết vai trò của phần Acknowledgements trong luận văn trước khi tiếp tục viết còn gì.
Metaphors vận vào người
Trong tiểu thuyết Paper Town, John Green vào vai Quentin: “Chúng ta không khốn khổ vì thiếu metaphors, nhưng phải cẩn thận khi sử dụng vì chúng dễ vận vào người. Nếu cậu chọn nghĩ mỗi người là một sợi dây, thì cậu đang tưởng tượng một thế giới bị đứt gãy không tài nào hàn gắn được. Nếu cậu chọn coi mỗi người là cây cỏ, thì cậu đang nghĩ rằng tất cả chúng ta đang kết nối với nhau bằng một kết nối vô hạn. Rằng cậu có thể dùng hệ thống rễ của mình để không những thấu hiểu người khác, mà còn trở thành chính họ.”
Trong khi nghiên cứu, mình không chỉ cố gắng để tìm hiểu đối tượng nghiên cứu, mà còn phải dốc sức tìm hiểu chính công việc này. Để làm vậy, mình bám vào mấy metaphors (những hình ảnh ẩn dụ) mà các giáo sư và các đàng anh đàng chị đi trước để lại. Họ buông lơi mấy câu có vẻ nhẹ nhàng nhưng lại trở thành mỏm đá chắc chắn để mình tiếp tục leo lên, trong khi vẫn cheo leo ở vách núi.
Bên cạnh cái metaphor so sánh “nghiên cứu” với “thể thao” như Marison vừa đáp một cách dĩ nhiên, giờ mình ngồi điểm lại những metaphors khác đã nhặt về trên dọc đường đi.
Nghiên cứu hay là rác, lái xe trong đêm, là các cuộc viễn thám hay tình yêu?
Giáo sư hướng dẫn mình từng bảo rất nhiều nghiên cứu trong giáo dục là “garbage in, garbage out” - đầu vào là rác thì đầu ra là rác. Dữ liệu gì, thu thập bằng cách nào thì rất có thể kết quả ra chỉ xứng đáng được như thế. Thầy lo nghiên cứu mà thầy hay học trò thầy làm có giá trị gì không. Nếu mang ra so sánh với những nghiên cứu trong y học chẳng hạn, thì sự chênh lệch về ý nghĩa của chúng ra sao? Một câu chuyện cười thầy kể mình vẫn lưu lại đây.
Cô giáo sư dạy mình viết học thuật, có mái tóc ngắn cool ngầu, hay đứng với một tay đặt trong túi quần, nói làm nghiên cứu giống như lái xe trong đêm. Là dám đi về phía trước dù chỉ có thể nhìn được xa xa trong tối một chút. Nếu ngồi yên đấy mà tưởng tượng và lên kế hoạch hoàn hảo, nhìn cho cố xa để thấy được tận cuối đường chắc không bao giờ nhích được. Cứ tạm yên tâm đi tới đi dù tầm nhìn xa cùng lắm vài ba mét. Tiêu chuẩn “nhìn xa trông rộng” tạm thời bị dẹp qua một bên.
Giáo sư môn Hải dương học, người hay mặc quần ngố và áo thun Patagonia rách gấu, không chỉ dùng từ “nghiên cứu (Research).” Thầy còn dùng từ “cuộc thám hiểm”: Expedition. Vì với thầy, nghiên cứu là phải dong thuyền ra khơi một đợt dài 3 – 4 tuần, tìm cách thả dụng cụ xuống biển để ghi, để đo, để thử nghiệm.
Người chị cả trong lab mình ở Đài Loan, chị Khuyên, nói làm nghiên cứu rất khác so với yêu một người. Khi nghiên cứu, mình được chọn thứ mình thích, tới đây thì hai khái niệm vẫn giống nhau. Nhưng trong quá trình làm, nếu tòi ra vài thứ không thích, mình có thể tìm cách thay đổi: đổi thiết kế, đổi tài liệu tham khảo, đổi hướng đi, đổi đối tượng, thậm chí đổi thứ quan trọng nhất là câu hỏi nghiên cứu. Còn để yêu một người thì cần chấp nhận nhiều hơn là thay đổi hay tác động lên đối tượng.
Cô giáo sư dạy nghiên cứu định tính, môn học mình tin đã thay đổi đời mình, thì ví nghiên cứu giáo dục như là cái bánh sandwich. Vừa phải có một lớp bánh trên đóng góp cho cộng đồng học thuật cái ý tưởng hay lý thuyết, vừa cần có một lớp bánh dưới mang ý nghĩa thực hành cho giáo viên và học sinh. Cô còn ví làm nghiên cứu là tìm ngôi nhà cho một ý tưởng. Mình cần biết rõ địa phận của những nghiên cứu hiện tại, lại cần xác định phạm vi mình hướng tới rồi quyết định sẽ đặt ngôi nhà cho nghiên cứu của mình ở đâu.
Ừ thì đáp đền tiếp nối. Trong một lần trao đổi với một người bạn tò mò về chuyện nghiên cứu, mình bảo nghiên cứu giống như một cuộc hành trình mà mỗi mét đường đi lại một lần ra quyết định. Mình đã đi được vô cùng lớn mét rồi. Đèn vẫn chiếu về phía trước nhưng xa khỏi ba mét vẫn đen ngòm. Nhưng mình biết đích của cuộc thám hiểm ở phía trước. Trong ngôi nhà ấy có sẵn sandwich và những người xuất hiện trong phần Acknowledgements đợi mình.
Mình đã sống bằng những metaphors đấy trong suốt mấy năm qua. Còn bạn?
Bạn sẽ chọn metaphors nào cho năm 2025?
“We don’t suffer from a shortage of metaphors, is what I mean. But you have to be careful which metaphor you choose, because it matters. If you choose the strings, then you’re imagining a world in which you can become irreparably broken. If you choose the grass, you’re saying that we are all infinitely interconnected, that we can use these root systems not only to understand one another but to become one another.” - Paper Town - John Green.
Bài viết hồi tháng 6/2021.
:) ôi, cái ẩn dụ người yêu ấy em ạ. Nếu mình chán người yêu mình sẽ đá nó, trong khi cái đề tài thì mình vẫn phải làm dù đã phát chán nó =))) có khi nếu dùng ẩn dụ này, chị sẽ biết cách yêu đương có trách nhiệm hơn chăng? :D
Nói chứ, với chị tìm hiểu một đề tài như là bơi vào vùng biển không có san hô trống trơn chán nản vậy, đầu tiên mình tưởng ở đây chả có gì, nhưng sau khi bơi rất nhiều ngày nhiều tháng, sau khi đã khoẻ hơn, tự dưng mình sẽ bơi được tới chỗ có cả bầy cá đang chơi, chắc là lúc tìm ra thứ gì đó mới, nhưng mà không khoẻ lên thì sẽ chẳng bao giờ tìm thấy chỗ đó cả.
Hừmmmm, đối với mình thì nghiên cứu chính là một công trường á. Kiểu, nó hổ lốn và bừa bộn, vật liệu tùm lum, khúc xây dở dang và cát lẫn xi măng trưa trộn hết. Nhưng mà nhé, cứ xây thôi. Học cách xây sao cho đúng, từ từ xây những cái nho nhỏ, ghép các nho nhỏ thành cái lớn, mong mỏi nó sẽ mang lại một công trình có ý nghĩa và được cần đến.
Dẫu sao cũng cảm ơn tác giả vì bài viết siêu đáng yêu này 💙