Điểm tin khoa học - Tháng 2/2023 - "Giác quan thứ sáu" phổ biến ở động vật, Ngủ là bí kíp học của sinh viên, Muốn sống lâu thì trồng cây
12 tiếng = 1 bản tin? Có gì mà thú vị thế?
Xin chào bạn đọc,
Đây là bản tin khoa học thứ 2 trong năm 2023. Nó hứng thú đến mức mình đã dùng đến 12 tiếng đồng hồ để đọc - hiểu các nghiên cứu và truyền thông tới bạn đọc.
Bên dưới đây, bạn sẽ nhận ra thời sinh viên của mình hay bỏ qua một bí kíp học tập lợi hại. Bạn cũng sẽ hiểu hơn về cơ chế “giác quan thứ sáu” ở động vật. Và cuối cùng, việc trồng cây thì liên quan quái gì đến tuổi thọ của chúng ta?
Chúng ta cùng tìm-hiểu nhé.
Sinh viên bỏ quên bí kíp học tập này: đi ngủ
Một nghiên cứu công bố gần đây tìm ra sự liên quan giữa điểm cuối kì của các sinh viên năm nhất với giấc ngủ ban đêm của các em.
Trung bình, sinh viên đi ngủ muộn (tầm 1-2 giờ sáng). Giấc ngủ trung bình dài 6,5 tiếng một đêm, và kết quả tiêu cực xuất hiện khi các em ngủ ít hơn sáu tiếng.
Những sinh viên ngủ ít vào đầu học kỳ có điểm trung bình thấp hơn vào cuối kỳ. Và với các em ngủ ít hơn sáu tiếng thì trải qua sự suy giảm rõ rệt trong kết quả học tập. Ước tính, mỗi giờ ngủ bị hao hụt tương ứng với 0,07 điểm trung bình cuối kỳ.
Chất lượng của giấc ngủ đêm trước là nền cho những chức năng khác trình diễn vào sáng hôm sau. Ấy vậy mà giấc ngủ ít khi nào được thực sự quan tâm trong môi trường học đường. Khi một học sinh, sinh viên học kém, chúng ta ít khi hỏi ẻm ngủ được không?!
Bài chi tiết trên blog: https://thetoobluescientist.com/sinh-vien-di-ngu/
Muốn sống lâu hãy … trồng cây
Một nghiên cứu cho kết quả ... mắc cười như trên vừa được công bố. Trồng cây thì liên quan gì đến tuổi thọ của người dân? Có cơ chế siêu nhiên nào không?
Mỗi cây được trồng trong 15 năm có liên quan đến việc giảm đáng kể tỉ lệ tử vong ở người không do tai nạn hoặc do các bệnh về tim mạch. Mối liên hệ nghịch này càng rõ rệt khi cây càng lớn và phát triển. Cụ thể, cây được trồng từ 6-15 năm trở về trước "dính" tới chuyện tỉ lệ tử vong ở người giảm nhiều hơn so với cây trồng từ 1-5 năm gần đây.
Trở lại đây là một nghiên cứu tương quan (correlation) chứ chưa thể xác lập mối liên hệ nhân - quả (causal relation) giữa việc trồng cây và tỉ lệ tử vong.
Nếu cây quả thực có tác dụng như trên thì mỗi cây trồng đem lại giá trị ... từ 8-20 triệu đô. Trong khi chi phí duy trì 140 cây trồng mỗi năm chỉ từ hơn 2500 đô tới - 13700 đô. Quá lãi.
Bài đầy đủ trên blog: https://thetoobluescientist.com/trong-cay-song-lau/
“Giác quan thứ sáu” ở động vật phổ biến hơn ta tưởng
Từ trường là một trong những khái niệm khoa học phổ biến trong các cộng đồng không thực hành khoa học. Những lời nhận xét về "từ trường" quanh một căn phòng hay một người luôn làm mình bối rối và thắc mắc. Ủa, bạn có thể cảm nhận từ trường hở? Vì mình chịu. Loài người nói chung cũng chịu. Động vật thì khác.
Các nghiên cứu trong phòng thí nghiệm cho thấy tới khoảng 50 loài động vật có thể cảm nhận từ trường. Nhưng ta chưa hiểu đầy đủ về cách cơ thể chúng xử lý và phát hiện từ trường bên ngoài.
Cách đây vài ngày, một nghiên cứu được công bố giúp ta hiểu hơn về cơ chế này ở loài ruồi giấm. Ruồi giấm trông ... hơi khác người mà lại là "hình mẫu" trong vô số nghiên cứu để ta hiểu về giống loài mình.
Qua nghiên cứu, ta biết những cơ chế cảm nhận từ trường ở ruồi thì thế giới động vật cũng có, nên có thể "giác quan thứ sáu" phổ biến động vật hơn ta tưởng.
Bài đầy đủ trên blog: https://thetoobluescientist.com/giac-quan-6-tu-truong/
Cuối cùng, hẹn gặp bạn ở bài viết sau.
và xin phép nhá hàng
P/S: Một dự án thú vị của The Too Blue Scientist đang chuẩn bị được ra mắt.