Cuộc chiến giành lại sự chú tâm
Làm sao để tập trung cho những điều quan trọng trong thời đại đầy xao nhãng hiện nay?
Bạn đọc thân mến,
Mới đây thôi, tờ The New Yorker, một tạp chí nổi tiếng của Mỹ được biết đến với những bình luận sâu sắc, cách kể chuyện hấp dẫn, và nhất là những hình ảnh minh hoạ hài hước, ra một bài báo rất thú vị.
Bài báo có tựa đề The Battle for Attention - Cuộc chiến giành lại sự chú tâm. Như một lời thách thức dễ thương tới các nội dung ngắn tràn lan, bài viết dài hẳn 8000 từ tiếng Anh, mất khoảng 40 phút để đọc (mà chưa chắc người đọc đã hiểu đầy đủ).
Trên Internet giờ đây, đi một bước chân là thấy tám trăm nội dung về hiệu năng làm việc. Bằng cách định hướng theo kiểu chủ đề Lối sống (Lifestyle) hoặc hiệu quả công việc (Productivity), sự chú tâm - tập trung bị thu hẹp như một khả năng chỉ mang lại lợi ích kinh tế. Những nội dung này đưa cho ta nhiều mẹo như thể những viên thuốc cảm, uống vào là tập trung được ngay: chúng hợp thời (trendy) nhưng công nghiệp hoá, thiếu chiều sâu, và đầy tính kinh nghiệm cá nhân khái quát lên thành cẩm nang.
Bài báo của The New Yorker tiếp cận chủ đề này qua lối khác. Theo chân một tổ chức bí ẩn trong lĩnh vực cảm thụ nghệ thuật đã tồn tại hàng thế kỷ, tác giả Nathan Heller dẫn chúng ta đi qua các quan niệm về sự chú tâm trên nền tảng tâm lý học, triết học, kinh tế học, văn hoá, và nghệ thuật.
Thích thú với cách tiếp cận này, mình quyết định dịch lại bài báo này và đăng trên blog The Too Blue Scientist.
Tuy nhiên, để chắc chắn là có người quan tâm, mình sẽ đăng phần 1 trước. Nếu có trên 10 bạn đọc tò mò và hào hứng nhắn mình dịch tiếp, mình sẽ dịch phần còn lại.
Mình hơi tiếc khi bài báo nhắc tới nhiều tác giả và tác phẩm mà với sức mọn, mình chưa được đọc qua. Vậy nên bản dịch sẽ có nhiều thiếu sót, mình khuyến khích bạn đọc đọc bài báo gốc nếu có thể.
Mời bạn đọc thử một trích đoạn ở đây:
Cách đây không lâu, trên một chuyến tàu điện, tôi có một trải nghiệm quen thuộc và đáng ngại khi đứng sau lưng một hành khách và theo dõi những điều cô ấy làm trên điện thoại. Lúc ấy đúng giờ cao điểm, trong ánh đèn lờ mờ, con tàu điện cổ nhất thành phố New York chật ních người. Điện thoại cô sáng choang, những đoạn video liên tục “chảy” qua như một dòng thác. Xem mỗi video chừng bốn, năm giây, cô đẩy nó đi bằng một cú vuốt của ngón tay cái. Rồi cô mở sang ứng dụng tin nhắn, chẳng để làm gì, và vuốt quay lại. Lúc này, màn hình hiện ra vài người ăn vận chỉn chu làm trò trên khuôn mặt dí sát vào máy ảnh như những diễn viên kịch câm. Trông như họ đang thèm khát một thứ mà ngay cô không thể cho được: sự chú ý. Tôi ngượng chín người khi nhớ ra chính mình vẫn hay làm thế ở cả hai phía màn hình.
Bao năm qua, chúng ta nghe ra rả các lý do khiến khả năng chú tâm của con người suy giảm. Công nghệ – một công viên giải trí sôi động nằm ngay trong chiếc màn hình bỏ túi – đeo bám lấy chúng ta. Nhịp sống hiện đại náo động và vụn vỡ hất sự tập trung sang một bên. Tưởng chừng nỗi lo đã biến mất khi nhiều nghiên cứu chất lượng về chủ đề này đã được công bố từ những năm 40 của thế kỷ trước, khi vô tuyến truyền hình cũng từng được coi là kẻ thù của sự chú tâm.
Nhưng những hồi chuông báo động mới đang khẩn thiết hơn bao giờ hết. Năm 2023, Tổ chức Hợp tác và Phát triển kinh tế [OECD, lời người dịch] báo cáo rằng trong một thập kỷ trở lại đây, kết quả học tập các môn Ngôn ngữ, Toán, và Khoa học của học sinh tuổi 15 trên toàn cầu đã sa sút đáng kể. Một phần ba nghiên cứu giải thích việc này đều coi sự xao nhãng do công nghệ số là nguyên nhân chính. Số ca nghiên cứu lâm sàng về các vấn đề về sự chú ý – tập trung tăng đột biến.
Dịch tiếp đi ạ